U não xuất hiện khi có tế bào bất thường hình thành bên trong não. Khối u não có nhiều loại, trong số đó có những khối u ác tính và những khối u não lành tính. Khối u não ác tính bắt nguồn từ não được gọi là ung thư não nguyên phát. Còn khối u não do bệnh ung thư từ cơ quan khác của cơ thể phát triển lan rộng tới não được gọi là ung thư não thứ phát, hay còn gọi là di căn não.
Tùy theo tuổi mắc bệnh, vị trí và tính chất mô bệnh học của u mà bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng này thường biểu hiện khác nhau đối với mỗi người bệnh, tùy thuộc vào vị trí khối u, loại u, kích thước và tốc độ phát triển của nó.
Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của các khối u não:
- Đau đầu
Đau đầu trầm trọng là triệu trứng phổ biến, có thể bắt gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não. Thường đau nhiều vào sáng sớm hay nửa đêm về sáng, đau dai dẳng, lặp lại hàng ngày, càng ngày càng đau nhiều hơn về cả cường độ và thời gian. Ở trẻ nhỏ chưa biết phàn nàn đau có thể biểu hiện bằng bỏ ăn, quấy khóc, ngủ ít, vật vã.
- Nôn và buồn nôn
Bệnh nhân có khối u não thường có biểu hiện nôn, buồn nôn đi kèm với triệu chứng đau đầu, thường nôn vào buổi sáng, sau mỗi lần nôn bệnh nhân thường mệt hơn, nhưng đỡ đau đầu. Nếu để bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến suy kiệt, mất nước, rối loạn điện giải. Thời gian đầu, dấu hiệu chưa rõ ràng thì một số ít bệnh nhân được chẩn đoán là triệu chứng nôn đơn thuần có thể nghi ngờ do vấn đề bệnh lý tiêu hóa, đến khi thực hiện các xét nghiệm, chỉ định cho kết quả rõ ràng hơn mới phát hiện ra là u não.
- Giảm thị lực
+ Phù gai thị: Đây là dấu hiệu nặng thường gặp trong tăng áp lực nội sọ. Khi nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ nên soi đáy mắt để xác định vì qua giai đoạn phù gai thị sẽ chuyển sang teo gai thị có thể dẫn đến mù.
+ Bán manh: Gặp trong trường hợp u chèn vào một phần của cửa dày thị giác hay giải thị giác.
+ Liệt vận nhãn: Gây nhìn đôi, với bệnh nhân liệt dây thần kinh VI thì thường có biểu hiện lác trong, liệt dây thần kinh III biểu hiện lác ngoài. Hội chứng parinaud (bệnh nhân không hội tụ được mắt) thường gặp khi u chèn vào cuống não hoặc u vùng tuyến tùng.
+ Rung giật nhãn cầu: Thường gặp ở bệnh nhân u hố sau.
- Kích thước vòng đầu tăng bất thường
Ở các trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi thì nhiều khi không có các triệu chứng đau đầu, nôn, phù gai mà biểu hiện bằng kích thước vòng đầu tăng lên bất thường (nhanh hơn so với số đo chuẩn), các khớp sọ giãn rộng, thóp phồng, da đầu căng, giãn các tĩnh mạch dưới da đầu, có thể thấy mắt của bệnh nhân ở vị trí nhìn xuống. Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có biểu hiện tăng động và rối loạn hành vi nên cha mẹ cần hết sức lưu ý đến biểu hiện của trẻ. Ngoài ra trẻ có biểu hiện hội chứng thần kinh da gồm xơ hóa củ, đa u xơ thần kinh (NF1) thường tăng nguy cơ có khối u ở não.
- Mất kiểm soát hành vi
Biểu hiện này khiến cho người bệnh đi lại loạng choạng, hay bị ngã, rối loạn thăng bằng, rối tầm, liệt các dây thần kinh sọ não.
- Căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm
Biểu hiện cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng, dễ kích động, kém tập trung, ngủ nhiều hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ cũng là một trong những biểu hiện cần chú ý.
Mệt mỏi có thể là do một khối u não ác tính nhưng cũng có thể là do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư. Các tình trạng khác cũng gây ra mệt mỏi như: các bệnh tự miễn, các rối loạn thần kinh, thiếu máu…
Trầm cảm là một triệu chứng phổ biến ở những bệnh nhân u não. Ngay cả những người chăm sóc và những người thân yêu cũng có thể bị trầm cảm trong thời gian điều trị của bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết trầm cảm như sau:
+ Cảm giác buồn chán kéo dài hơn mức bình thường.
+ Mất hứng thú với những thứ mà bạn từng thích thú.
+ Thiếu năng lượng, khó ngủ, mất ngủ.
+ Có ý nghĩ tự làm hại mình hoặc tự tử.
+ Cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng.
- Yếu liệt và tê bì
Cảm giác yếu liệt, tê bì, cảm giác kiến bò ở bàn tay, bàn chân. Tê, yếu thường có xu hướng một bên thân người. Nhất là bệnh nhân có hội chứng của trên lều tiểu não: thường sẽ giảm hoặc mất cảm giác nửa người, yếu hoặc liệt vận động nửa người, rối loạn nói (có thể hiểu lời nói nhưng bệnh nhân không nói được hoặc nói được nhưng không hiểu lời nói), rối loạn nhìn, rối loạn ý thức, giảm sự tập chung, rối loạn giấc ngủ.
- Động kinh
Các khối u có thể đè đẩy vào các tế bào thần kinh não, tác động và làm biến đổi các tín hiệu điện từ trong não sẽ gây ra các cơn động kinh.
Cơn động kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một khối u não, nó cũng có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Khoảng 50% người bệnh bị u não trải qua ít nhất một lần cơn động kinh. Tuy nhiên động kinh không phải lúc nào cũng vì sự xuất hiện của một khối u não. Các nguyên nhân gây co giật khác bao gồm: dị dạng mạch máu não, sau đột quỵ não, sau chấn thương não, viêm nhiễm ký sinh trùng trong não…
Trên đây là một số triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo bệnh u não. Nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu này thì không có nghĩa là bạn đã bị u não bởi vì các triệu chứng ấy có thể gặp ở nhiều loại bệnh khác nhau. Tuy nhiên bạn cần phải gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm, chính xác và tìm ra phương án điều trị phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất cho bạn.
(Nguồn: Bệnh viện K)
JVHB hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu biết hơn về bệnh U não.
Chúc bạn và gia đình luôn luôn mạnh khỏe!
LIÊN HỆ TƯ VẤN KHÁM CHỮA BỆNH VÀ DỊCH VỤ Ý KIẾN Y TẾ THỨ HAI TẠI NHẬT BẢN
Công ty TNHH cầu nối sức khỏe Việt Nhật (JVHB)
Địa chỉ: Tầng 15, tòa nhà Hàn Việt, số 203 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 035.222.3388 hoặc 088.865.8118
Một số bài viết khác:
Khám sức khỏe tại Nhật Bản
Hỗ trợ khám từ xa với bệnh viện hàng đầu Nhật Bản
JVHB KẾT NỐI THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ U NÃO
ĐỂ PHÒNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG CẦN ĂN VÀ KIÊNG GÌ?
THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ NGHỈ LỄ GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG, 30/04 VÀ 01/05
JVHB- Cầu Nối Sức Khỏe Việt Nhật xúc tiến hợp tác, giao lưu y tế giữa Bệnh Viện Quân Y 175 và đại diện của Tập Đoàn Y Tế Nhật Bản