Túi mật là một thành phần của hệ thống dẫn mật bên ngoài gan. Nhiệm vụ chủ yếu của túi mật là nơi dự trữ và cô đặc dịch mật trước khi bài tiết vào ruột non, tham gia trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Chính vì thế, túi mật cũng là nơi rất dễ hình thành sỏi, gây nên bệnh lý sỏi túi mật.
Tùy vào kích thước, số lượng sỏi và vị trí của chúng, bệnh nhân sẽ có những bệnh cảnh khác nhau. Tuy nhiên, một khi đã có cơ địa tạo lập sỏi, người bệnh có thể vừa có sỏi mật trên hệ thống đường mật nói chung, vừa có sỏi túi mật nói riêng, thậm chí vừa có sỏi trong lòng túi mật, vừa có sỏi kẹt cổ túi mật, ống túi mật.
Trên đối tượng nữ giới, tuổi trung niên, nhất là có thể trạng mập phì, sinh nhiều con, sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến. Đôi khi bệnh chỉ phát hiện tình cờ trên siêu âm bụng nhưng cũng có khi gây đau bụng dữ dội do bị kẹt lại ở chỗ hẹp, dễ nguy hiểm tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.
Sự hình thành sỏi túi mật
“Khởi nguồn” của sỏi túi mật là dịch mật – hợp chất giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và thuần hóa hàng loạt vitamin. Dịch mật do gan tiết ra và được vận chuyển đến túi mật, cơ quan thực hiện vai trò bảo quản và làm cô đọng mật, có tạo dáng hình trái lê kéo dài. Sự hiện diện chất béo trong thức ăn được tiêu hóa khởi động phản ứng hormone gây ra co thắt túi mật, tiếp theo mật được đổ vào ruột.
Sỏi túi mật là không gì khác những cục nhỏ xuất hiện từ mật đã kết tinh. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol. Còn ở Việt Nam đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột.
Cholesterol kết tinh ở dạng cục nhỏ khi túi mật tích trữ lượng dịch mật nhiều hơn khả năng hòa tan muối mật. Nguyên nhân tình trạng ứ trệ cũng có thể vì hoạt động bất thường của túi mật. Sỏi túi mật trở thành nguồn gốc tình trạng bệnh lý khi chúng làm tắc ống túi mật hay gây viêm túi mật.
Những người dễ bị sỏi túi mật
Bệnh sỏi túi mật thường gặp ở nữ giới vì phần lớn liên quan kích thích tố nữ như progesteron khiến giảm vận động túi mật, trong khi estrogen làm tăng cholesterol và giảm acid mật hòa tan cholesterol. Estrogen gia tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, progesteron làm chậm tốc độ giải phóng túi mật. Điều này giải thích, vì sao xác suất mắc bệnh của phụ nữ giảm dần cùng tuổi tác (so với xu hướng mắc bệnh của nam giới). Trước 40 tuổi, tỷ lệ sỏi mật ở phụ nữ (nguy cơ mắc bệnh đặc biệt tăng khi có thai) được chẩn đoán cao gần gấp ba lần nam giới; sau tuổi 60 xác suất mắc bệnh ở phụ nữ tăng không đáng kể. Liệu pháp hormon thay thế (estrogen) cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt trong trường hợp hormon được bổ sung cho cơ thể ở dạng uống thay vì gián tiếp qua băng dính (qua da). Viên ngừa thai cũng làm gia tăng nguy cơ xuất hiện sỏi túi mật, nhất là trong 10 năm đầu sử dụng.
Tiếp theo là tình trạng béo phì: những mô trong cơ thể chứa mỡ nhiều hơn cũng sản xuất nhiều estrogen hơn. Thật phi lý, khi nguy cơ cũng gia tăng trong trường hợp sụt cân đột ngột vì nỗ lực giảm béo; bởi thực đơn nghèo năng lượng kìm hãm cơ chế sản xuất mật – yếu tố khiến cho quá trình kết tủa cholesterol diễn ra nhanh hơn. Tình trạng xuất hiện sỏi túi mật sau những ca hút mỡ hoặc phẫu thuật làm nhỏ dạ dày nhằm hạn chế háu ăn xảy ra nhiều tới mức hiện không hiếm bệnh nhân yêu cầu cắt bỏ túi mật ngay khi thực hiện kỹ thuật này.
Một nguyên nhân nữa tiếp tay cho sự xuất hiện của sỏi túi mật là tiểu đường hoặc những bệnh khác hạn chế chức năng của túi mật hoặc làm chậm nhu động ruột – trong đó thậm chí có cả tình trạng tổn thương tủy sống.
Biểu hiện của sỏi túi mật
Khi mắc bệnh sỏi túi mật đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng. Những triệu chứng đau dữ dội xuất hiện nhiều nhất khi sỏi làm tắc ống túi mật. Những cơn đau thường xảy ra trong trường hợp túi mật co thắt đột ngột (hay xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, dầu mỡ), do gia tăng sức ép của sỏi lên thành túi mật hoặc động tác co thắt túi mật làm chúng dịch chuyển, hệ quả làm tắc đường dẫn mật.
Trong các triệu chứng cơ bản có cơn đau thường xuất hiện ở giữa hoặc bên phải phần trên ổ bụng, ngay dưới đường xương sườn – tình trạng đau đớn gia tăng kéo dài khoảng 60 phút và có thể duy trì, mức độ giảm dần suốt vài tiếng tiếp theo. Cảm giác đau có thể mạnh mẽ và dai dẳng hoặc nhức nhối và căng phồng. Cũng không hiếm trường hợp cơn đau lan theo hướng sau lưng hoặc cánh tay phải. Không loại trừ kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn. Cơn đau thuyên giảm, khi túi mật trở lại trạng thái bình thường.
Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Điều trị sỏi mật bằng phương pháp nào
Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn có sỏi túi mật nhưng không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị.
Nếu bạn có triệu chứng như đau, có thể bạn sẽ cần phải được điều trị. Phương pháp điều trị được sử dụng thường nhất là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Trong đại đa số các trường hợp (90%), phẫu thuật này được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi.
Nếu bệnh nhân có biến chứng nhất định liên quan đến sỏi mật – như viêm, nhiễm trùng, sẹo lớn từ một phẫu thuật trước đó, một rối loạn chảy máu hoặc một tình trạng có thể gây khó khăn khi thực hiện bằng phẫu thuật nội soi – các bác sĩ phẫu thuật có thể cắt túi mật bằng phương pháp mổ mở. Tiến trình này làm thời gian nằm viện lâu hơn (3-5 ngày).
Nếu có sỏi đường mật kết hợp, sỏi cần phải được lấy đi trong hầu hết trường hợp, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào. Phương pháp phổ biến nhất để thực hiện là nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc thực hiện lấy sỏi đường mật kết hợp cùng lúc với cắt túi mật nội soi.
Điều trị không phẫu thuật
Nếu một bệnh nhân không phải phẫu thuật, bác sĩ có thể cho một vài thuốc để hòa tan sỏi mật. Các loại thuốc được làm từ acid mật và chỉ được sử dụng để điều trị sỏi cholesterol.
Hai loại thuốc được sử dụng để điều trị là ursodiol (Actigall) và chenodiol (Chenix). Bệnh nhân thường phải dùng những loại thuốc trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để hòa tan sỏi mật. Trong nhiều trường hợp, sỏi mật có thể tái phát trong vòng năm năm ở những người dùng các loại thuốc này.
Quý khách có nhu cầu tư vấn khám chữa bệnh và tầm soát ung thư tại Nhật Bản vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH cầu nối sức khỏe Việt Nhật (JVHB)
Địa chỉ: Tầng 15, tòa nhà Hàn Việt, số 203 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 035.222.3388 hoặc 088.865.8118
Một số bài viết khác:
Khám sức khỏe tại Nhật Bản
Hỗ trợ khám từ xa với bệnh viện hàng đầu Nhật Bản
JVHB KẾT NỐI THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ U NÃO
ĐỂ PHÒNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG CẦN ĂN VÀ KIÊNG GÌ?
THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ NGHỈ LỄ GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG, 30/04 VÀ 01/05
JVHB- Cầu Nối Sức Khỏe Việt Nhật xúc tiến hợp tác, giao lưu y tế giữa Bệnh Viện Quân Y 175 và đại diện của Tập Đoàn Y Tế Nhật Bản