DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM U NÃO VÀ NHỮNG LOẠI U NÃO THƯỜNG GẶP

I – DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM U NÃO

Đau đầu ngày càng tăng nặng, buồn nôn, nôn và phù gai thị ở mắt là các dấu hiệu cảnh báo u não mà người bệnh cần thăm khám sớm.

Triệu chứng của bệnh u não rất đa dạng và khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Chúng có thể biểu hiện và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.

1. Đau đầu

Những cơn đau đầu do u não không giống với cơn đau đầu bình thường. Ở giai đoạn sớm, cơn đau đầu có thể nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi hoặc uống thuốc giảm đau để cắt cơn đau. Tuy nhiên, cơn đau đầu do u não không dừng lại mà càng tăng, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường. Người bệnh phải sử dụng các loại thuốc đặc trị thì mới thuyên giảm. Cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng và thường diễn ra vào buổi sáng sớm, khoảng 4-5h, khiến người bệnh đang ngủ có thể bật dậy.

2. Nôn và buồn nôn

Đau đầu thường kèm theo nôn và buồn nôn. Người bệnh có cảm giác khác với nôn hoặc buồn nôn do bệnh lý dạ dày, tiêu hóa. Khi bị u não, người bệnh có cảm giác như có áp lực từ bên trong cơ thể gây nôn vọt ra như vòi phun. Sau khi nôn, cơn đau đầu có thể thuyên giảm. Các dấu hiệu u não thường đi song hành với nhau. Do vậy, người bệnh vừa có thể bị đau đầu vừa có cảm giác buồn nôn và nôn ói.

3. Phù gai thị

Dấu hiệu phù gai thị do tăng áp lực nội sọ được nhận biết khi bác sĩ chuyên khoa sử dụng đèn để soi trực tiếp vào vị trí đáy mắt của người bệnh. Phù gai thường đến sau khi có các triệu chứng u não khác khoảng 2 tuần. Tình trạng phù gai cũng sẽ kết thúc sau khoảng 2 tuần kể từ khi người bệnh điều trị u não và chấm dứt được tình trạng tăng áp lực nội sọ.

U não còn gây nên một số biểu hiện khác như co giật, động kinh, có biểu hiện thay đổi tri giác, ngủ gà, lơ mơ, thay đổi thói quen hoặc hành vi… Trẻ em cũng có nguy cơ bị u não với những dấu hiệu cảnh báo tương tự. Ví dụ, một đứa trẻ bình thường năng động, đi học về sẽ chơi với bạn nhưng bất ngờ thay đổi hành vi, học về than đau đầu, mệt, chỉ nằm xuống ngủ. Đó là những dấu hiệu mà phụ huynh không nên chủ quan, cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh chính xác.

Mỗi vùng não có một chức năng được quy định. U não xuất hiện ở vùng nào thì sẽ làm rối loạn chức năng ở vùng não đó và được gọi là dấu hiệu của thần kinh khu trú. Ví dụ, u não ở vùng bán cầu trái hoặc thái dương bên trái khiến bệnh nhân nói khó, nói lắp, nói thiếu từ. Hoặc khối u ở vùng não chịu trách nhiệm hiểu ngôn ngữ khiến người bệnh chỉ nghe nhưng không hiểu và không trả lời đúng nội dung câu hỏi. Trường hợp người bệnh bị tổn thương não ở vùng trán, vùng vận động thì bị yếu liệt một bên.

U não có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. mỗi người nên chủ động đi khám tầm soát định kỳ hoặc ngay khi có những triệu chứng bất thường thì cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt, tránh để khối u phát triển lớn gây khó khăn trong việc điều trị.

II – HAI LOẠI U NÃO THƯỜNG GẶP

Khối u não có thể xuất phát ngay ở não hoặc di căn từ bộ phận khác với đặc điểm, mức độ nguy hiểm và cách điều trị khác nhau.

U não là một bệnh lý rất nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh. Tốc độ phát triển cũng như vị trí của u não quyết định mức độ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán, theo dõi và chữa trị kịp thời.

U não có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là ở nhóm người trên 70 tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi. Bác sĩ Sĩ dẫn các nghiên cứu cho thấy, u não chiếm 2% trong tổng số các ca ung thư từ mọi nhóm tuổi. Trong số các trường hợp tử vong do ung thư ở nhóm trẻ em dưới 15 tuổi và nhóm từ 20-39 tuổi, bệnh u não là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai. Người ngoài 85 tuổi có tỷ lệ bị u não cao nhất.

U não là một tập hợp số lượng lớn các tế bào não phát triển bất thường vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. U não có thể bắt đầu trực tiếp từ tế bào não, tế bào đệm của hệ thần kinh trung ương, gọi là u não nguyên phát. Các khối u cũng có thể xuất phát từ các bộ phận khác (ví dụ như phổi, thận…) rồi theo máu đến não, gọi là u não thứ phát (u di căn não).

1. U não nguyên phát

U não nguyên phát là loại u não tự hình thành và phát triển từ các tế bào của não bộ và hệ thần kinh trung ương (không phải do lây truyền từ các vùng cơ thể khác). Nguyên nhân gây u não nguyên phát cũng có thể xuất hiện ở tủy sống, màng não (vùng bao phủ của não) hay dây thần kinh dẫn từ não.

Đặc điểm của u não nguyên phát là đa số lành tính, chiếm 70% (không phải ung thư), 30% là khối u ác tính (ung thư). U não nguyên phát có thể dễ dàng cắt bỏ và được chữa trị hoàn toàn nếu đó là khối u lành tính. Tỷ lệ ung thư do u não nguyên phát chỉ chiếm 2% trên tổng số ca ung thư từ các bộ phận khác trên cơ thể. Người lớn tuổi dễ mắc bệnh u não nguyên phát hơn. Gần 25% bệnh nhân được chẩn đoán mắc khối u não nguyên phát ở độ tuổi từ 75 trở lên. Đây còn là bệnh ung thư phổ biến thứ hai (chỉ sau bệnh ung thư bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính) ở trẻ em dưới 15 tuổi.

2. U não thứ phát

U não thứ phát là loại khối u xuất hiện ở não do các tế bào ung thư từ một cơ quan khác di căn đến não. Bất kỳ loại ung thư nào trên cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời đều có thể di căn dẫn đến ung thư não thứ phát.

U não thứ phát luôn là khối u ác tính. Theo một số nghiên cứu được bác sĩ Sĩ dẫn nguồn cho thấy, có khoảng 50% số trường hợp nguyên nhân gây u não thứ phát là do di căn đến từ ung thư phổi, theo sau đó là di căn từ ung thư vú, thận, da, đại tràng, hắc tố… Các trường hợp u não thứ phát chiếm từ 50-80% tổng số ca u não hiện nay, tức gấp gần bốn lần số ca u não nguyên phát. U não thứ phát phổ biến ở nhóm người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) và có nguy cơ cao xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào có tiền sử bệnh ung thư.

Chẩn đoán khối u não bắt đầu bằng việc đánh giá chi tiết phản xạ hệ thần kinh. Để kiểm tra xem các dây thần kinh sọ não còn hoạt động tốt hay không, bác sĩ sẽ tiến hành nhiều bài kiểm tra như dùng kính soi đáy mắt (xem cách đồng tử của bạn phản ứng với ánh sáng), kiểm tra sức mạnh cơ bắp (sự phối hợp tay chân, khả năng giữ thăng bằng, khả năng nhớ tạm thời cũng như khả năng tính toán số học).

Sau đó, người bệnh được chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm chuyên sâu hơn để có kết luận chính xác. Các xét nghiệm này có thể bao gồm chụp X-Quang sọ, chụp CT đầu, chụp MRI đầu, chụp mạch máu, lấy mẫu sinh thiết…

Để điều trị bệnh u não, bác sĩ thường kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tăng tính hiệu quả. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Mục tiêu là loại bỏ càng nhiều ung thư càng tốt mà không gây ra thiệt hại cho các bộ phận khỏe mạnh của não.

Kỹ thuật phẫu thuật u não hiện đại hiện nay là gắn với chụp MRI bó sợi thần kinh (DTI) cho phép bác sĩ nhìn thấy hình ảnh các bó dẫn truyền thần kinh quanh u. Từ cuộc mổ mô phỏng bằng robot, phẫu thuật viên sẽ xác định tương quan giữa u và các cấu trúc bó dẫn truyền thần kinh nhằm tránh phạm phải trong lúc phẫu thuật. Từ đó, họ có thể bảo tồn các bó sợi thần kinh và mô não lành, tránh được biến chứng thần kinh trong và sau phẫu thuật.

(Nguồn: VNExpess)

JVHB hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn biết thêm nhiều thông tin hữu ích.

Chúc bạn và gia đình luôn luôn mạnh khỏe!

 

LIÊN HỆ TƯ VẤN KHÁM CHỮA BỆNH VÀ DỊCH VỤ Ý KIẾN Y TẾ THỨ HAI TẠI NHẬT BẢN

Công Ty TNHH Cầu Nối Sức Khỏe Việt Nhật (JVHB)

Địa chỉ:  – Hà Nội: Tầng 15, Tòa nhà Hàn Việt, Số 203 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

       – TP. Hồ Chí Minh: 314 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 035.222.3388 hoặc 088.865.8118

error: Content is protected !