Người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, ung thư… nên tiêm vắc xin Covid-19 sớm để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Vì sao người lớn tuổi & người mắc bệnh nền cần ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19?
Những ngày qua, bài học từ Thái Lan về việc số lượng người già tử vong gia tăng mạnh do tỷ lệ tiêm vắc xin quá thấp so với người trẻ, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các nước trên thế giới. Người dân Thái Lan giận dữ vì trong trận chiến COVID-19, người cao tuổi lại không phải là đối tượng cần được ưu tiên.
Tại nước ta, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang diễn biến phức tạp, virus SARS-CoV-2 ngày càng “biến hóa” khôn lường, tỷ lệ F0 “leo thang” với nhiều ổ dịch mới. Gánh nặng bệnh tật ở người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền cao hơn gấp nhiều lần người trẻ, người không mắc bệnh nền. Nếu mắc Covid-19, họ sẽ rất dễ tổn thương, bệnh trở nặng nhanh chóng, diễn tiến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, hệ thống cách ly, y tế điều trị đang rơi vào tình trạng quá tải, lúc này, vắc xin COVID-19 chính là “lá chắn thép” hữu hiệu nhất bảo vệ sức khỏe mỗi người dân. Mỗi liều vắc xin chính là cơ hội cứu sống 1 người. Đặc biệt, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt, bởi vì:
- Độ tuổi càng cao, sức đề kháng càng giảm: Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể có sự thoái hóa, suy giảm chức năng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu dần, khiến người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc chống lại mầm bệnh.
- Phản ứng viêm quá mức: Mức độ viêm cao sẽ làm tổn thương phổi, thận và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Đặc biệt, phổi là nơi COVID-19 tấn công đầu tiên và cũng là bộ phận bị tàn phá mạnh nhất, khiến tình trạng suy hô hấp dễ phát triển.
- Dễ biến chứng: Ở người có bệnh nền như: tim mạch, tiểu đường, huyết áp, COPD,… Khi mắc thêm COVID-19, người bệnh phải thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), thời gian điều trị kéo dài, gây tử vong.
- Người mắc bệnh lý nền thường là người cao tuổi: Nếu người già mắc Covid-19, virus sẽ thúc đẩy các bệnh mạn tính chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, khiến người bệnh dễ tử vong.
- Vắc xin COVID-19 dành cho người lớn tuổi rất ít, còn người trẻ có nhiều loại vắc xin để lựa chọn hơn.
Với khả năng chống lại sự tấn công của virus SARS-CoV-2 rất kém, người già, người có bệnh lý nền là nhóm đối tượng cần được bảo vệ, ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng, đồng thời kiểm soát các bệnh lý nền và nâng cao thể trạng để phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả.
Người có bệnh lý nền và người lớn tuổi nên tiêm loại vắc xin COVID-19 gì?
Hiện tại, nước ta đang sử dụng nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 như: AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ, Đức), Moderna (Mỹ), Sinopharm (Trung Quốc)… Tuy nhiên, những loại vắc xin phòng COVID-19 dưới đây được chỉ định cho người lớn tuổi và người có bệnh lý nền:
- Vắc xin AstraZeneca (chiếm khoảng 62% nguồn cung vắc xin trên cả nước), khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi. Phác đồ 2 mũi cách nhau từ 4-12 tuần. Hiệu quả vắc xin đạt 60% ở người trên 70 tuổi trong việc ngăn ngừa COVID-19 kéo dài 6 tuần sau liều đầu tiên; giảm 73% nhập viện liên quan COVID-19 ở người trên 80 tuổi. Giảm 80% trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện ở người từ 80 tuổi trở lên, mắc các bệnh mạn tính đi kèm. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc được công bố ngày 17/6 cho thấy, ở những người từ 60 tuổi trở lên, vắc xin AstraZeneca đạt hiệu quả 78,9% đối với virus SARS-CoV-2 sau 2 tuần khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên. Nghiên cứu này cũng kết luận, vắc xin AstraZeneca và Pfizer đều có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong vì COVID-19 ở người từ 60 tuổi trở lên.
- Vắc xin Pfizer: Chỉ định tiêm cho người trên 12 tuổi. Khuyến khích các đối tượng có bệnh nền, ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi và người 16-18 tuổi. Phác đồ giữa 2 mũi tiêm từ 3-6 tuần. Hiệu quả sau khi tiêm mũi 1: tỷ lệ bảo vệ đạt 61% ở người trên 70 tuổi; mũi 2 giúp giảm 94,7% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng.
- Vắc xin Moderna: Chỉ định tiêm cho người trên 18 tuổi. Phác đồ 2 mũi cách nhau từ 4-6 tuần. Sau tiêm mũi 1, cơ thể bắt đầu có miễn dịch sau 14 ngày, hiệu quả đạt 51,8%. Sau khi tiêm mũi 2, hiệu quả phòng bệnh đạt 94,1%. Với người từ 65 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ giúp giảm 86.4% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng.
Tuy nhiên, việc người lớn tuổi và người mắc bệnh lý nền nên tiêm loại vắc xin nào? Tiêm ở thời điểm nào? Bệnh nào nên trì hoãn tiêm cần phải qua quá trình sàng lọc, khám bệnh kỹ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa.
Những phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin COVID-19
Để hỗ trợ thực hiện và đảm bảo an toàn cho người được tiêm, đặc biệt nhóm đối tượng nguy cơ cao phản ứng sau tiêm, công tác khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm cần được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình. Đặc biệt, tại các điểm tiêm, công tác tiêm chủng đều rất bài bản, kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng cho tất cả cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là khâu khám sàng lọc trước tiêm chủng của bác sĩ, đảm bảo chỉ định tiêm chủng chính xác, đảm bảo an toàn cho người được tiêm. Phương án xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm được đào tạo đầy đủ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trang thiết bị xử trí cấp cứu phản vệ luôn được sẵn sàng. Mặc dù tỷ lệ xảy ra phản ứng phản vệ là rất hiếm nhưng tất cả nhân viên y tế, trang thiết bị luôn nằm trong tình trạng sẵn sàng khởi động để không bao giờ bỏ qua “cơ hội vàng” cứu bệnh nhân.
Thông thường, tại các điểm tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ yêu cầu người được tiêm sau khi chủng ngừa ở lại cơ sở tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm nhằm phát hiện các biến chứng sau tiêm vắc xin COVID-19 sớm và nặng, như phản ứng phản vệ. Các phản ứng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19 thường là:
- Phản ứng “giả cúm” phổ biến: đau, mẩn đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm; mệt mỏi; đau đầu; đau cơ; ớn lạnh; sốt; buồn nôn,…. Các triệu chứng sẽ tự khỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo CDC, đây là những dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang xây dựng hàng rào bảo vệ COVID-19.
- Phản ứng phản vệ: Đây là trường hợp rất hiếm gặp. CDC Hoa Kỳ cảnh báo, người bị sốc phản vệ sau lần tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên không nên tiêm liều 2. Các triệu chứng nhận biết sốc phản vệ gồm: Mề đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực; đau bụng, nôn, tụt huyết áp; rối loạn ý thức,…. Khi gặp các dấu hiệu trên, người được tiêm cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe, bình an!
Một số bài viết khác:
Khám sức khỏe tại Nhật Bản
Hỗ trợ khám từ xa với bệnh viện hàng đầu Nhật Bản
JVHB KẾT NỐI THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ U NÃO
ĐỂ PHÒNG UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG CẦN ĂN VÀ KIÊNG GÌ?
THÔNG BÁO LỊCH NGHỈ NGHỈ LỄ GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG, 30/04 VÀ 01/05
JVHB- Cầu Nối Sức Khỏe Việt Nhật xúc tiến hợp tác, giao lưu y tế giữa Bệnh Viện Quân Y 175 và đại diện của Tập Đoàn Y Tế Nhật Bản